Viêm họng là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và có rất nhiều trường hợp trẻ hay bị viêm họng tái lại nhiều lần khiến ba mẹ lo lắng. Trước tình trạng này, ba mẹ nên làm gì để giúp con hết viêm họng và ngăn ngừa tái phát?

Viêm họng là bệnh thường gặp ở trẻ em khi thời tiết thay đổi thất thường, trời trở lạnh. Điều này khiến các bậc phụ huynh lo lắng vì ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt, sự phát triển và sức khỏe toàn diện của trẻ. Vì vậy, việc nắm rõ cách chăm sóc trẻ bị viêm họng là rất quan trọng và cần thiết.

Sơ lược về bệnh viêm họng

Viêm họng được chia thành 2 trường hợp là viêm họng cấp tính và viêm họng mãn tính. 

  • Viêm họng cấp: Là bệnh khá phổ biến, xảy ra quanh năm, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa. Nguyên nhân gây bệnh thường là do vi khuẩn hoặc do virus cảm cúm, sởi, adenoviruses,… Ngoài ra, các yếu tố như không khí lạnh, khói bụi,… cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm họng cấp ở trẻ.
  • Viêm họng mãn tính là tình trạng cổ họng bị viêm nhiễm dai dẳng không được điều trị dứt điểm khi bị viêm họng cấp. Ở giai đoạn mãn tính, các triệu chứng xuất hiện chậm, kéo dài và diễn ra thường xuyên. Viêm họng mãn tính dễ tái phát và khó chữa khỏi hoàn toàn. Bệnh xảy ra chủ yếu do ảnh hưởng của một số bệnh đường hô hấp, tiếp xúc với dị nguyên, gặp vấn đề sau khi phẫu thuật mũi, xoang.
Viêm họng cấp tái lại nhiều lần dẫn đến viêm họng mãn tính
Viêm họng cấp tái lại nhiều lần dẫn đến viêm họng mãn tính

Tại sao trẻ hay bị viêm họng tái đi tái lại?

Tình trạng trẻ hay bị viêm họng tái đi tái lại có thể do các nguyên nhân sau.

Điều trị không dứt điểm

Đây là lý do chính khiến bệnh viêm họng của trẻ tái phát thường xuyên, đồng thời khiến viêm họng cấp dễ trở thành mãn tính hoặc biến chứng như viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm xoang,… 

Vậy làm thế nào để xác định trẻ đã khỏi hẳn viêm họng cấp và ngừng thuốc đúng lúc? Cách tốt nhất là ba mẹ nên đưa trẻ đi tái khám để bác sĩ đánh giá tình trạng thực tế của bé có được cải thiện không, có tổn thương vùng mũi họng hay không, rồi mới có hướng xử lý tiếp theo.

Nếu chưa đưa trẻ đi khám lại, ba mẹ cần theo dõi chặt chẽ các triệu chứng của trẻ và chỉ ngưng dùng thuốc sau khi các triệu chứng ho, sổ mũi, đau họng, sốt, đau tai,… đã thuyên giảm ít nhất 2 ngày. 

Yếu tố dị ứng

Viêm họng tái phát ở trẻ em có thể do yếu tố dị ứng. Đây là bệnh có tính chất di truyền. Ngoài ra, một số yếu tố cũng làm tăng nguy cơ tái phát viêm họng ở trẻ như khí hậu thay đổi, môi trường ô nhiễm,…

Xuất hiện nhiều chủng virus, vi khuẩn gây viêm họng

Một nguyên nhân khác khiến trẻ hay bị viêm họng tái lại là do có quá nhiều chủng virus, vi khuẩn gây bệnh. Theo thống kê, có khoảng 60 – 80% trường hợp viêm mũi họng là do virus và có tới 200 chủng virus và vi khuẩn khác nhau gây bệnh viêm mũi họng. Vì vậy, trẻ có thể bị nhiễm virus này rồi lại bị nhiễm virus khác vào thời điểm sức đề kháng bị suy yếu.

Một số trường hợp khác, trẻ bị viêm họng do vi khuẩn tụ cầu, liên cầu beta tan huyết nhóm A, phế cầu,… hoặc viêm họng do nấm. Nếu trẻ bị viêm họng tái phát nhiều lần do những nguyên nhân trên, ba mẹ nên đưa trẻ đi tiêm vắc-xin phòng vi khuẩn, virus theo hướng dẫn của bác sĩ.

Lây nhiễm

Trẻ bị viêm họng tái lại thường xuyên cũng có thể do sinh hoạt chung với người bị bệnh. Đặc biệt, ở nhiều gia đình thường đóng kín cửa khi có người ốm để tránh gió khiến mầm bệnh càng dễ lây lan trong không gian kín.

Vì vậy, nếu người nhà bị viêm họng, cần cách ly, đeo khẩu trang, vệ sinh tay sau khi tiếp xúc với người bệnh, lưu thông không khí trong nhà và giữ vệ sinh chung sạch sẽ.

Ngoài ra, cần điều trị triệt bệnh cho người bệnh, đồng thời nâng cao sức khỏe cho các thành viên còn lại trong gia đình để ngăn chặn virus, vi khuẩn tấn công.

Nguyên nhân khác

Bên cạnh những nguyên nhân trên, viêm họng tái lại nhiều lần ở trẻ em còn có thể do: 

  • Thói quen xấu: Không giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh hoặc tiếp xúc nơi đông người dễ bị nhiễm bệnh từ người khác. 
  • Ảnh hưởng của viêm xoang mãn tính: Viêm xoang mãn tính khiến dịch tiết chảy xuống cổ họng. Virus, vi khuẩn trong dịch tiết gây viêm vùng hầu họng.
  • Bất thường về cấu trúc mũi: Sự biến dạng của vách ngăn mũi có thể làm rối loạn quá trình bài tiết dịch, khiến chất lỏng trào ngược lên phía sau cổ họng và gây viêm họng tái phát nhiều lần ở trẻ em.

Trẻ hay bị viêm họng tái lại có nguy hiểm không?

Trẻ hay bị viêm họng tái đi tái lại có thể dẫn đến viêm họng mãn tính. Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng không mong muốn như viêm đường hô hấp trên, viêm họng mãn tính gây áp xe thành họng, trào ngược dạ dày, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm cầu thận thậm chí có thể gây ung thư. 

Trẻ hay bị viêm họng tái lại phải làm sao?

Việc phòng bệnh là rất quan trọng để trẻ không phải uống quá nhiều thuốc khi sức đề kháng còn yếu. Để giảm nguy cơ tái phát viêm họng ở trẻ, ba mẹ cần lưu ý những điều sau: 

  • Vệ sinh răng miệng, mũi họng cho trẻ thường xuyên: Nên tập cho trẻ thói quen đánh răng ít nhất 2 lần/ngày. Cho trẻ súc miệng bằng nước muối. 
  • Trẻ em thường xuyên bị viêm họng nên tắm bằng nước ấm. Sau khi tắm xong, lau khô người rồi mới mặc quần áo sạch. Đồng thời, sau khi tắm không cho trẻ ngồi trước quạt, điều hòa. 
  • Nếu trẻ bị viêm họng cần đưa đi khám ngay để xác định bệnh và điều trị chính xác, điều trị bệnh triệt để ngay từ đầu.
  • Bên cạnh dùng thuốc điều trị có thể kết hợp với một số mẹo giảm đau họng tại nhà như lê hấp đường phèn, hẹ hấp mật ong,… để giảm ho và viêm họng. 
  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các yếu tố gây kích ứng vùng mũi họng như khói bụi, phấn hoa, không khí lạnh, thuốc lá, hóa chất,… 
  • Tăng cường hệ miễn dịch cho bé bằng cách thay đổi chế độ dinh dưỡng nhiều vitamin và khoáng chất theo chỉ định của bác sĩ. 
  • Dọn dẹp nhà cửa thường xuyên để giảm nấm mốc, bụi và chất gây dị ứng. 
  • Ba mẹ không tự ý cho trẻ dùng thuốc mà phải tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ.
Vệ sinh răng miệng thường xuyên để tránh nguy cơ viêm họng tái lại ở trẻ
Vệ sinh răng miệng thường xuyên để tránh nguy cơ viêm họng tái lại ở trẻ

Để tránh nguy cơ trẻ hay bị viêm họng tái lại dẫn đến viêm họng mãn tính, ba mẹ nên chủ động đưa trẻ đi khám ngay khi có các triệu chứng viêm họng.

Đồng thời, chú ý phòng ngừa nguy cơ tái nhiễm viêm họng ở trẻ theo hướng dẫn trên, để bé luôn khỏe mạnh và phát triển tốt.