Rụng tóc vành khăn ở trẻ sơ sinh có thể là biểu hiện sinh lý bình thường nhưng cũng có thể cảnh báo một số loại bệnh lý. Do đó, ba mẹ nên tìm hiểu thật kỹ về tình trạng trẻ sơ sinh bị rụng tóc vành khăn để có những hướng xử lý phù hợp khi gặp phải trường hợp này, để đảm bảo sự phát triển của trẻ tốt nhất.

1. Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh bị rụng tóc vành khăn

Tóc của trẻ sơ sinh thường rất ngắn, mềm và dài dần theo thời gian. Đây gọi là tóc máu. Đến khoảng 2 – 3 tháng tuổi, hormone nội tiết của mẹ truyền cho trẻ trong giai đoạn mang thai sẽ giảm dần, gây nên tình trạng tóc của trẻ sẽ rụng dần. Sau đó, đến khoảng 7 tháng tuổi thì tóc của trẻ sẽ mọc lại. Độ dày và các đặc điểm khác của mái tóc sẽ được thể hiện rõ khi trẻ được khoảng 2 tuổi.

Khá nhiều trẻ sơ sinh bị rụng tóc vành khăn khi bước vào thời kỳ 3 đến 6 tháng tuổi. Tình trạng rụng tóc này có thể nhận biết khá dễ, cụ thể là tóc của trẻ sẽ bị rụng theo đường tròn vòng cung ở sau gáy, khá giống với vành mũ. Hiện tượng này có thể là biểu hiện sinh lý bình thường nhưng đôi khi, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý.

Trẻ sơ sinh bị rụng tóc vành khăn có thể là một trong những biểu hiện sinh lý bình thường
Trẻ sơ sinh bị rụng tóc vành khăn có thể là một trong những biểu hiện sinh lý bình thường

 

2. Nguyên nhân gây nên tình trạng rụng tóc vành khăn ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh bị rụng tóc vành khăn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Trẻ hay nằm: Các sợi tóc của trẻ ở giai đoạn đầu đời vốn rất yếu và dễ rụng. Chính vì vậy, việc nằm nhiều sẽ làm cho vùng da sau đầu tiếp xúc thường xuyên với gối khiến vùng này khó mọc tóc hơn.
  • Thói quen giật tóc của các bé đôi khi cũng là nguyên nhân khiến mái tóc của con ngày càng mỏng hơn.
  • Do tác dụng phụ của một số nhóm thuốc điều trị khiến tóc trẻ bị rụng.
  • Sự thiếu hụt dinh dưỡng như vitamin D – C, Fe, Zn, Ca,… cũng khiến trẻ gặp phải tình trạng rụng tóc vành khăn. Đặc biệt, nếu cơ thể không có đủ lượng vitamin D cần thiết thì ngoài rụng tóc, trẻ còn có một số biểu hiện khác như quấy khóc, ngủ không ngon giấc, đổ mồ hôi nhiều,…
  • Bệnh suy tuyến yên cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị rụng tóc nhiều hơn so với thông thường.
  • Một vài bệnh lý liên quan đến tuyến giáp cũng khiến trẻ bị rụng tóc, kèm theo đó là biểu hiện mọc răng chậm hơn, vận động kém, vàng da,…

Các bệnh lý về tuyến giáp cũng có thể gây rụng tóc

  • Một số bệnh về da đầu như nấm, hắc lào, bị viêm da tiết bã,… Nếu ba mẹ không cho trẻ điều trị sớm thì bệnh có thể lan rộng sang nhiều vùng da khác.
  • Dị ứng với các thành phần có trong các sản phẩm tắm gội cũng khiến tóc trẻ bị rụng nhiều hơn so với thông thường.

3. Trẻ bị rụng tóc vành khăn có đáng lo hay không?

Thực tế, rụng tóc vành khăn là một hiện tượng không hiếm gặp. Tình trạng này có thể chia thành 2 loại:

Bé bị rụng tóc do bệnh lý cần được đưa đi khám kịp thời
Bé bị rụng tóc do bệnh lý cần được đưa đi khám kịp thời

3.1. Rụng tóc bình thường

Rụng tóc bình thường là trường hợp những bé bị rụng tóc trong khoảng thời gian 2 – 3 tháng đầu đời. Số lượng tóc rụng không nhiều và không bị rụng theo từng đám. Ngoài vấn đề kể trên thì bé vẫn phát triển tốt, ăn ngon và không có những biểu hiện bất thường nào.

3.2. Rụng tóc bất thường

Trẻ bị rụng cả phần chân tóc với số lượng khá nhiều, rụng từng đám, đi kèm với một vài biểu hiện khác như:

●       Bé bị rụng tóc nhiều, thường hay quấy khóc, ra nhiều mồ hôi và khó ngủ.

●       Bé thường bị giật mình khi đi ngủ vào ban đêm.

●       Phần đỉnh đầu của bé lớn hơn, lâu đóng thóp hơn thông thường.

●       Trẻ có dấu hiệu bị táo bón.

●       Thể trạng của bé yếu kém hơn so với bạn bè cùng lứa tuổi. Một vài hoạt động như lật, bò, mọc răng hay đi của trẻ bị rụng tóc vành khăn cũng chậm hơn so với nhiều trẻ khác.

Nếu trẻ bị rụng tóc do vấn đề sinh lý thì ba mẹ không cần lo lắng bởi trường hợp này không ảnh hưởng đến sức khỏe. Thế nhưng, nếu trẻ bị rụng tóc vành khăn vì một bệnh lý nào đó với những biểu hiện bất thường kèm theo thì ba mẹ cần phải lưu ý và nên đưa con đi thăm khám sớm để điều trị.

4. Các biện phải cải thiện tình trạng rụng tóc ở trẻ sơ sinh

Như đã đề cập ở trên, trẻ sơ sinh bị rụng tóc do nhiều nguyên nhân. Chính vì vậy, ba mẹ không nên quá lo lắng và vội vàng bổ sung thêm dưỡng chất cho con khi chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên, với một số trường hợp rụng tóc không do bệnh lý, ba mẹ có thể thử cải thiện bằng một số phương pháp như sau:

Cha mẹ có thể cho con tắm nắng sớm để bổ sung vitamin D tự nhiên
Cha mẹ có thể cho con tắm nắng sớm để bổ sung vitamin D tự nhiên

●       Thường xuyên thay đổi tư thế nằm ngủ của con, tránh để một vùng da đầu bất kỳ tiếp xúc với mặt gối quá lâu.

●       Lựa chọn các sản phẩm chăn gối có chất liệu mềm mại.

●       Không đội mũ quá chật để tránh làm tổn thương đến vùng da đầu của trẻ.

●       Bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết trong bữa ăn hàng ngày của trẻ (đối với trẻ đã ăn dặm). Còn với những trẻ còn bú sữa mẹ thì tăng cường cho trẻ bú nhiều hơn. Tốt nhất, ba mẹ nên tham khảo trước ý kiến từ các chuyên gia dinh dưỡng để có phương án bổ sung dưỡng chất khoa học và phù hợp với thể trạng của bé.

●       Ba mẹ cũng nên cho con tắm nắng sớm thường xuyên để bổ sung thêm nguồn vitamin D tự nhiên, nhằm cải thiện tình trạng rụng tóc và giúp trẻ được cứng cáp hơn. Khoảng thời gian tắm nắng tốt nhất là trước 8h sáng, chỉ nên tắm trong vòng 5 – 7 phút. Ba mẹ lưu ý, không đưa con ra ngoài khi mặt trời lên cao và ánh nắng quá gay gắt. Bởi lẽ, đây là thời điểm tia cực tím hoạt động mạnh rất có hại đối với da và mắt của bé.

●       Những trường hợp rụng tóc là biểu hiện của một bệnh lý đi kèm những dấu hiệu bất thường thì ba mẹ nên đưa con đi thăm khám bác sĩ để được điều trị sớm, đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Nhìn chung, vấn đề rụng tóc ở trẻ không quá mức nghiêm trọng. Ba mẹ cần tìm chính xác nguyên nhân khiến con bị rụng tóc để có phương án xử lý phù hợp nhất. Khi trẻ sơ sinh bị rụng tóc đi kèm những dấu hiệu bất thường khác thì ba mẹ nên đưa con đi khám tại cơ sở y tế uy tín gần nhất.