Giao mùa luôn là thời điểm mà các mẹ lo lắng nhất bởi sức đề kháng của trẻ thường yếu hơn, dễ mắc các bệnh giao mùa như cảm cúm, viêm họng, hay sốt virus. Làm sao để bảo vệ bé yêu khỏi những nguy cơ này? Hãy cùng khám phá ngay những bệnh giao mùa thường gặp và cách phòng bệnh cho trẻ khi giao mùa hiệu quả, giúp bé luôn khỏe mạnh và an toàn trước mọi sự thay đổi của thời tiết!

1. Tại sao trẻ dễ mắc bệnh khi giao mùa?

1.1. Sự thay đổi thời tiết và ảnh hưởng đến sức đề kháng của trẻ

Giao mùa là thời điểm chuyển giao giữa hai mùa trong năm, khi thời tiết có sự thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại. Với sức đề kháng còn non nớt, sự biến đổi này ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể của trẻ. Khi nhiệt độ thay đổi, cơ thể trẻ phải điều chỉnh để thích nghi, làm tiêu hao năng lượng và khiến sức đề kháng giảm. Điều này giải thích vì sao trẻ thường xuyên mắc các bệnh giao mùa như đường hô hấp, cảm cúm, sốt, viêm họng

1.2. Các yếu tố môi trường, độ ẩm, nhiệt độ, và tác động lên hệ miễn dịch của bé

Độ ẩm không khí thay đổi đột ngột có thể làm khô màng nhầy trong mũi, miệng và họng, khiến các bộ phận này dễ bị vi khuẩn và virus xâm nhập. Ngoài ra, nhiệt độ dao động mạnh giữa ngày và đêm, hoặc giữa các ngày trong tuần, làm cho cơ thể trẻ khó điều chỉnh nhiệt độ, dễ dẫn đến cảm lạnh và các bệnh về đường hô hấp.

Thêm vào đó, sự gia tăng của các chất gây ô nhiễm không khí và phấn hoa trong mùa chuyển mùa có thể kích thích các phản ứng dị ứng ở trẻ, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, và viêm kết mạc.

Có thể thấy, chỉ với những thay đổi nhỏ trong môi trường đã gây ảnh hưởng lớn đối với hệ miễn dịch của trẻ, khiến dễ mắc các bệnh giao mùa.

2. Các bệnh thường gặp ở trẻ khi giao mùa

2.1. Cảm cúm và cảm lạnh

Các bệnh giao mùa như cảm cúm và cảm lạnh thường khởi phát với các triệu chứng khá giống nhau, khiến cha mẹ dễ nhầm lẫn. Đối với cảm cúm, trẻ có thể bị sốt cao, mệt mỏi, đau nhức cơ thể, kèm theo các dấu hiệu như ho khan, đau họng và nghẹt mũi. Trong khi đó, cảm lạnh thường nhẹ hơn với các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi và đôi khi ho nhẹ.

Những triệu chứng này thường khiến trẻ khó chịu, quấy khóc và bỏ ăn. Do đó, việc nhận diện sớm các dấu hiệu sẽ giúp cha mẹ có phương pháp xử lý kịp thời, giảm bớt thời gian bệnh kéo dài cũng như tránh những biến chứng nguy hiểm.

Hầu hết trẻ em bị cảm cúm đều có thể tự khỏi sau 1-2 tuần. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc đúng cách, đặc biệt là những trẻ có sức đề kháng kém, bệnh có thể trở nặng và gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa…

Bệnh giao mùa như cảm cúm và cảm lạnh thường bắt đầu với triệu chứng hắt hơi, sổ mũi,…

2.2. Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp (viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm họng,…)

Các loại vi khuẩn, virus như Streptococcus, Haemophilus influenzae hay các virus gây viêm phế quản, viêm phổi cũng dễ dàng lây lan hơn trong không khí lạnh và khô. Hơn nữa, trẻ nhỏ thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài, đi học hoặc chơi đùa, điều này làm tăng nguy cơ bị lây nhiễm từ bạn bè hoặc người thân.

Bệnh giao mùa về đường hô hấp có thể biểu hiện qua nhiều triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào loại bệnh, nhưng thường gặp nhất bao gồm:

  • Viêm phổi: Trẻ thường có biểu hiện sốt cao, ho nặng, thở nhanh hoặc khó thở. Trẻ có thể mệt mỏi, da xanh xao và biếng ăn.
  • Viêm tiểu phế quản: Đây là bệnh lý thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, với các triệu chứng như trẻ bị ho khi giao mùa, thở khò khè, thở nhanh và khó thở. Trẻ có thể bị sổ mũi, sốt nhẹ hoặc sốt cao.
  • Viêm họng: Trẻ bị viêm họng thường có dấu hiệu đau họng, khó nuốt, ho khan, kèm theo sốt và mệt mỏi. Một số trường hợp có thể xuất hiện nốt trắng hoặc mủ ở vùng họng.
Ho là triệu chứng dễ thấy khi trẻ mắc bệnh giao mùa về đường hô hấp
Ho là triệu chứng dễ thấy khi trẻ mắc bệnh giao mùa về đường hô hấp

2.3. Sốt xuất huyết

Giao mùa, đặc biệt là từ mùa mưa sang mùa khô hoặc ngược lại, là thời điểm lý tưởng để muỗi vằn – tác nhân chính gây ra bệnh sốt xuất huyết – phát triển và sinh sôi. Trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu thường trở thành đối tượng dễ bị nhiễm bệnh khi bị muỗi mang virus Dengue đốt.

Sốt xuất huyết thường có các triệu chứng ban đầu dễ bị nhầm lẫn với các bệnh thông thường như sốt, đau đầu, và mệt mỏi. Tuy nhiên, cha mẹ cần chú ý đến những biểu hiện sau để nhận biết kịp thời:

  • Sốt cao đột ngột: Trẻ có thể sốt cao lên đến 39-40 độ C, kèm theo tình trạng ớn lạnh và đổ mồ hôi.
  • Đau nhức cơ thể: Trẻ thường than đau nhức cơ bắp, khớp và sau hốc mắt.
  • Phát ban: Sau vài ngày sốt, trẻ có thể xuất hiện các nốt đỏ hoặc phát ban trên da, không gây ngứa.
  • Chảy máu: Ở giai đoạn nặng, trẻ có thể bị chảy máu mũi, lợi, hoặc xuất huyết dưới da, dẫn đến các vết bầm tím bất thường
Trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu trở thành đối tượng dễ bị nhiễm sốt xuất huyết khi bị muỗi mang virus đốt
Trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu trở thành đối tượng dễ bị nhiễm sốt xuất huyết khi bị muỗi mang virus đốt

2.4. Sốt phát ban

Nguyên nhân chính gây ra sốt phát ban là do các loại virus như virus sởi, rubella, enterovirus… Sốt phát ban có thể khởi phát với những triệu chứng tương tự như cảm cúm khiến ba mẹ khó phân biệt. Dưới đây là những dấu hiệu phổ biến giúp mẹ nhận biết sớm bệnh giao mùa này:

  • Sốt cao đột ngột: Trẻ thường bị sốt cao, nhiệt độ có thể lên đến 39-40 độ C, kéo dài từ 3 đến 7 ngày.
  • Phát ban: Sau giai đoạn sốt, trẻ xuất hiện các nốt ban đỏ hoặc hồng nhạt trên da, thường bắt đầu từ mặt và lan xuống toàn thân. Các nốt ban không gây ngứa và có thể biến mất sau vài giờ đến vài ngày.
  • Mệt mỏi, chán ăn: Trẻ bị sốt phát ban thường mệt mỏi, biếng ăn, quấy khóc và khó chịu trong người.
  • Viêm họng và ho: Một số trường hợp, trẻ có thể bị viêm họng, ho khan và chảy nước mũi kèm theo.
Trẻ xuất hiện các nốt ban đỏ hoặc hồng nhạt trên da khi bị sốt phát ban
Trẻ xuất hiện các nốt ban đỏ hoặc hồng nhạt trên da khi bị sốt phát ban

2.5. Các bệnh giao mùa truyền nhiễm (sởi, tay chân miệng, thủy đậu,…)

Mỗi loại bệnh truyền nhiễm có những dấu hiệu và triệu chứng đặc trưng, nhưng chúng thường bắt đầu bằng các triệu chứng giống cảm cúm như sốt, mệt mỏi, và chán ăn. Ba mẹ tham khảo các dấu hiệu cụ thể của từng bệnh giao mùa ở trẻ dưới đây để nhận biết kịp thời:

  • Sởi: Trẻ thường sốt cao, kèm theo các triệu chứng như ho, chảy nước mũi, mắt đỏ. Sau vài ngày, các nốt ban đỏ xuất hiện trên mặt rồi lan xuống toàn thân, kèm theo ngứa.
  • Tay chân miệng: Triệu chứng ban đầu là sốt nhẹ, đau họng, biếng ăn. Sau đó, các vết loét nhỏ xuất hiện trong miệng, trên lòng bàn tay, bàn chân, và đôi khi ở mông, đầu gối.
  • Thủy đậu: Bệnh khởi phát với triệu chứng sốt, đau đầu, mệt mỏi. Tiếp đó, các nốt mụn nước nhỏ xuất hiện khắp cơ thể, gây ngứa và khó chịu.
Các bệnh giao mùa truyền nhiễm có thể gây nguy hiểm tính mạng của trẻ
Các bệnh giao mùa truyền nhiễm có thể gây nguy hiểm tính mạng của trẻ

2.6. Tiêu chảy cấp

Khi giao mùa, nhiệt độ và độ ẩm thay đổi khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu hoặc nhiễm khuẩn nếu không được bảo quản đúng cách, tạo điều kiện thuận lợi để virus, vi khuẩn, hoặc ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể bé qua đường ăn uống. Tiêu chảy cấp có thể nhận biết qua một số triệu chứng đặc trưng như sau:

  • Đi ngoài nhiều lần: Trẻ bị tiêu chảy cấp thường đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, đôi khi kèm theo chất nhầy hoặc máu.
  • Đau bụng: Trẻ có thể cảm thấy đau quặn bụng hoặc khó chịu ở vùng bụng dưới.
  • Sốt: Trong một số trường hợp, trẻ bị tiêu chảy cấp có thể kèm theo sốt nhẹ hoặc sốt cao.
  • Mất nước: Đây là triệu chứng nguy hiểm nhất của tiêu chảy cấp. Trẻ có thể bị khát nước, môi khô, da nhăn nheo, và thậm chí là lơ mơ nếu mất nước nghiêm trọng.

3. Cách phòng bệnh cho trẻ khi giao mùa

3.1. Theo dõi và tiêm phòng đầy đủ

Tiêm phòng là biện pháp chủ động để phòng bệnh giao mùa cho trẻ như sởi, thủy đậu, tay chân miệng, và nhiều bệnh khác. Ba mẹ cần tuân thủ lịch tiêm phòng theo khuyến cáo của Bộ Y tế và cơ sở y tế địa phương để đảm bảo trẻ được bảo vệ đầy đủ.

Đừng quên cập nhật và kiểm tra thông tin tiêm chủng của trẻ để đảm bảo rằng các mũi tiêm được thực hiện đầy đủ và đúng thời gian. Thông tin này có thể được ghi chép trong sổ tiêm chủng hoặc thẻ tiêm phòng của trẻ.

3.2. Giữ ấm cơ thể

Khi mùa giao mùa đến gần, việc giữ ấm cho trẻ là yếu tố quan trọng giúp phòng bệnh giao mùa cho trẻ.

Lựa chọn trang phục cho trẻ cần phải đảm bảo sự ấm áp mà vẫn thoải mái. Hãy ưu tiên các bộ đồ có chất liệu giữ nhiệt tốt như len hoặc nỉ, đặc biệt là trong những ngày thời tiết lạnh.

Kỹ thuật “nhiều lớp áo” giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể dễ dàng hơn. Ví dụ, một áo thun dài tay kết hợp với một áo len và một áo khoác ngoài sẽ tạo ra ba lớp bảo vệ hiệu quả chống lại cái lạnh.

Ngoài việc giữ ấm cho trẻ qua trang phục, việc duy trì không khí ấm áp trong phòng cũng rất quan trọng. Sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc máy sưởi nếu cần thiết để giữ nhiệt độ phòng ở mức lý tưởng. Đảm bảo phòng ngủ của trẻ luôn khô ráo và thoáng khí để các bệnh thường gặp ở trẻ khi giao mùa.

3.3. Chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, tăng sức đề kháng

Chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất không chỉ giúp tăng cường sức đề kháng mà còn hỗ trợ bé phát triển toàn diện, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài.

  • Tăng cường vitamin và khoáng chất

Vitamin và khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hệ miễn dịch của trẻ. Hãy bổ sung cho bé những loại thực phẩm giàu vitamin C như cam, quýt, dâu tây, kiwi để tăng khả năng chống oxy hóa, giảm nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp. Đồng thời, các loại rau xanh đậm như cải bó xôi, bông cải xanh cung cấp lượng lớn vitamin A và E, giúp bảo vệ niêm mạc đường hô hấp, giữ cho phổi và da của bé luôn khỏe mạnh.

  • Đảm bảo đủ protein và chất béo lành mạnh

Protein và chất béo không chỉ cần thiết cho sự phát triển của trẻ mà còn góp phần duy trì hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả – lớp màng chắc chắn chống lại bệnh giao mùa ở trẻ. Thực phẩm như trứng, thịt gà, cá hồi, và đậu hũ là nguồn cung cấp protein tuyệt vời. Bên cạnh đó, các loại hạt như hạnh nhân, óc chó và dầu oliu chứa nhiều chất béo không bão hòa, giúp cơ thể bé hấp thụ các vitamin tan trong dầu tốt hơn, từ đó tăng cường sức khỏe và sức đề kháng.

  • Đừng quên bổ sung men vi sinh

Men vi sinh có vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh, từ đó hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch. Hãy bổ sung sữa chua, phô mai, hoặc các sản phẩm lên men tự nhiên vào khẩu phần ăn của bé để cung cấp lợi khuẩn, giúp đường ruột của trẻ luôn trong trạng thái tốt nhất, chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn có hại.

  • Uống đủ nước mỗi ngày

Nước là yếu tố không thể thiếu trong việc duy trì sức khỏe cho trẻ, đặc biệt là khi giao mùa. Uống đủ nước giúp cơ thể loại bỏ các độc tố, duy trì sự cân bằng nhiệt độ cơ thể và hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả. Bạn nên khuyến khích bé uống nước thường xuyên, đặc biệt là nước ấm, tránh nước lạnh để giảm nguy cơ viêm họng.

3.4. Chú ý đến vệ sinh cho trẻ

Một trong những biện pháp đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả để phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết giao mùa là duy trì vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Việc giữ vệ sinh tốt không chỉ giúp loại bỏ vi khuẩn, virus gây bệnh mà còn giúp bé phát triển thói quen tốt trong việc chăm sóc bản thân.

  • Giữ gìn vệ sinh tay sạch sẽ

Bàn tay của trẻ nhỏ thường tiếp xúc với nhiều bề mặt khác nhau, và đây cũng là con đường chính dẫn đến sự lây lan của các loại vi khuẩn, virus. Vì vậy, mẹ hãy tập cho bé thói quen rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, hoặc sau khi chơi đùa ngoài trời.

  • Tắm gội thường xuyên

Việc tắm gội đều đặn không chỉ giúp bé cảm thấy thoải mái mà còn giúp loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn bám trên da và tóc sau một ngày hoạt động. Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý sử dụng nước ấm và tắm nhanh trong những ngày lạnh để tránh việc bé bị cảm lạnh. Ngoài ra, mẹ cũng nên lựa chọn các loại sữa tắm, dầu gội dịu nhẹ, không chứa hóa chất độc hại để bảo vệ làn da nhạy cảm của bé.

  • Giữ vệ sinh răng miệng

Vệ sinh răng miệng đúng cách không chỉ giúp ngăn ngừa các bệnh về răng lợi mà còn giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Mẹ hãy đảm bảo rằng bé đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày, vào buổi sáng và trước khi đi ngủ. Lựa chọn bàn chải có lông mềm và kem đánh răng phù hợp với độ tuổi của bé để tránh làm tổn thương nướu và răng.

3.5. Giữ môi trường sống sạch sẽ và thoáng mát

Ngoài việc vệ sinh cá nhân, mẹ cũng cần chú ý đến vệ sinh môi trường sống xung quanh bé. Đảm bảo nhà cửa, đặc biệt là phòng ngủ của bé, luôn sạch sẽ, thoáng mát. Hãy thường xuyên vệ sinh đồ chơi, chăn gối, và thay drap giường định kỳ để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn có thể gây hại cho sức khỏe của bé.

3.6. Khi trời nắng gắt, hạn chế cho bé ra ngoài hay chơi đùa

Giai đoạn giao mùa không chỉ mang đến những cơn mưa bất chợt mà còn có những ngày nắng gắt với nhiệt độ tăng cao, khiến trẻ nhỏ dễ bị mệt mỏi và mắc các bệnh như say nắng, mất nước, hay cảm nắng.

Từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều là khoảng thời gian mà ánh nắng mặt trời có cường độ mạnh nhất, chứa nhiều tia UV có hại cho làn da và sức khỏe của trẻ. Mẹ nên sắp xếp các hoạt động vui chơi trong nhà hoặc ở những nơi có bóng râm trong khoảng thời gian này. Nếu bé cần ra ngoài, hãy đảm bảo bé được che chắn kỹ lưỡng với mũ rộng vành, áo dài tay, và sử dụng kem chống nắng phù hợp với làn da nhạy cảm của trẻ.

 

Bảo vệ sức khỏe con yêu trong thời tiết giao mùa luôn là mối lo ngại lớn đối với các mẹ. Với những thông tin trên, hi vọng bạn đã trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về bệnh giao mùa ở trẻ để chăm sóc con tốt hơn. Hãy nhớ, phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh. Chúc bé yêu luôn khỏe mạnh và lớn khôn! Và các mẹ cũng đừng quên ghé Fito Junior để cập nhật những thông tin vô cùng hữu ích về chăm sóc sức khỏe cho cả mẹ và bé nhé.