Massage cho trẻ sơ sinh là một liệu pháp thư giãn tuyệt vời mang lại cảm giác dễ chịu, giúp bé gắn kết tình cảm với ba mẹ hơn. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cho thấy mát xa có tác động tích cực đến sức khỏe thể chất của bé bằng cách kích thích trẻ ăn ngon, ngủ ngon và sâu giấc hơn.
1. Thời điểm massage cho trẻ sơ sinh
Theo một nghiên cứu của Viện Sức khỏe Trẻ em Hoa Kỳ, trẻ sơ sinh được massage 15 phút mỗi ngày sẽ có giấc ngủ sâu và ngon hơn so với các bé không được massage. Vì thế, hiện nay có rất nhiều ba mẹ quan tâm tìm hiểu và thực hiện các bài massage tại nhà cho trẻ.
Hiện tại, không có hướng dẫn cụ thể nào về độ tuổi tối thiêu cho việc massage cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng nên massage cho trẻ khi trẻ đã được 1 tháng tuổi, bởi trẻ sơ sinh cần phải mất 15 ngày để da trở nên kháng nước.
Có 3 thời điểm massage cho bé tốt nhất:
- Vào buổi sáng khi trẻ bắt đầu một ngày mới
- Trước khi tắm rửa cho bé
- Vào buổi chiều tối để giúp bé ngủ ngon và sâu giấc hơn
Lúc này, bé thường đã nghỉ ngơi đầy đủ, ở trạng thái tỉnh táo và cảm thấy thoải mái, dễ chịu, dễ hợp tác hơn. Tránh massage ngay sau khi bé ăn xong hoặc khi bé đang quấy khóc, mệt mỏi.
2.Quy trình massage cho trẻ sơ sinh tại nhà đơn giản, dễ thực hiện
Bước 1: Làm quen với bé trước khi thực hiện thao tác massage
Trước khi massage, ba mẹ hãy dành thời gian trò chuyện, âu yếm bé để bé làm quen với sự tiếp xúc trên làn da. Việc này còn giúp bé cảm nhận được sự yêu thương và cảm thấy tin tưởng. Bởi không phải em bé nào cũng sẽ hứng thú với việc massage. Vì vậy hãy chờ trẻ làm quen và “cho phép” chúng ta thực hiện massage.
Ba mẹ có thể cho một ít dầu massage vào lòng bàn tay của mình, sau đó thoa nhẹ lên vùng bụng và tay của bé. Nếu bé bật khóc hoặc tỏ ra khó chịu khi xoa bóp thì bạn hãy dừng lại vì đây chưa phải thời điểm phù hợp. Ngược lại, nếu bé có phản ứng tích cực hơn, tỏ vẻ thích thú thì chúng đồng nghĩa bé đang thoải mái, có thể thực hiện massage.
Bước 2: Massage chân cho trẻ sơ sinh
Massage chân cho trẻ sơ sinh là một bài mát xa đơn giản và hiệu quả, giúp bé ngủ ngon hơn. Ba mẹ thực hiện các bước như sau:
- Đầu tiên, mẹ nắm mắt cá chân bé nâng lên và vỗ nhẹ vào đùi để thả lỏng bộ phận này. Sau đó, một tay giữ chân, một tay vuốt từ đùi xuống bàn chân cho trẻ.
- Tiếp đến, lấy hai tay giữ phần đùi bé và nhẹ nhàng xoay theo hướng ngược nhau từ hông đến bàn chân rồi dùng ngón cái vuốt nhẹ từ bắp chân xuống mắt cá chân.
- Sau đó, hãy nắm lấy cổ chân bé và xoay nhẹ theo chiều kim đồng hồ và ngược lại. Một tay giữ gót chân, một tay nắm bàn chân và gập duỗi cổ chân cho bé.
- Cuối cùng là xoa bóp lòng bàn chân của bé yêu. Mẹ hãy dùng ngón tay cái, bóp nhẹ từ gót chân đến ngón chân để giúp bé cảm nhận được sự thoải mái. Rồi dùng ngón tay xoa đều theo hình vòng tròn từ phần dưới của các bàn chân sau đó đến các ngón chân.
Bước 3: Massage tay cho trẻ sơ sinh
Ba mẹ thực hiện bài massage tay cho bé theo các bước sau:
- Đặt bé nằm ở tư thế thoải mái rồi nắm lấy tay bé và lắc nhẹ bắp tay để thả lỏng. Sau đó, kéo gập và duỗi khuỷu tay của bé.
- Tiếp theo, nắm lấy cổ tay bé, vuốt nhẹ theo chiều kim đồng hồ và ngược lại. Di chuyển các động tác xoa bóp từ phía cẳng tay rồi đến cánh tay trên. Thực hiện massage toàn bộ cánh tay theo chuyển động tròn, làm tựa như động tác vắt khăn.
- Sau đó, dùng ngón cái xoa bóp nhẹ nhàng vùng mu bàn tay của bé.
- Bạn kết thúc quá trình massage tay cho bé bằng cách xoa bóp các ngón tay. Nhẹ nhàng thực hiện các động tác vuốt nhỏ trên ngón tay của trẻ theo chiều hướng về các đầu ngón tay.
Bước 4: Massage ngực và vai của bé
Sau khi đã xong phần cánh tay, chúng ta sẽ chuyển qua phần ngực và vai. Massage ngực và vai có tác dụng giúp bé thư giãn, giảm căng thẳng, cải thiện hệ tiêu hóa và hô hấp, đồng thời kích thích phát triển hệ thần kinh và cơ bắp. Ba mẹ thực hiện bài massage cho trẻ sơ sinh theo hướng dẫn sau:
- Thực hiện các động tác vuốt nhẹ song song từ vai trái và phải đến ngực của bé. Hãy lặp lại chuyển động này một cách nhẹ nhàng.
- Tiếp theo, đặt 2 tay giữa ngực bé rồi nhẹ nhàng xoa vòng tròn theo chiều kim đồng hồ từ cơ thể ra 2 bên.
- Thực hiện các động tác vuốt nhẹ ra ngoài từ dưới xương ức, ngang qua ngực, xương ngực.
- Dùng tay vuốt nhẹ từ hông bên trái đến vai phải và quay ngược trở xuống lại. Tiếp tục thực hiện tương tự với bên hông còn lại.
Bước 5: Massage vùng bụng
Ở bước tiếp theo, chúng ta sẽ chuyển đến vùng bụng. Massage bụng mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho hệ tiêu hóa của bé. Thực hiện massage bụng hàng ngày sẽ giúp bé giảm đau bụng, đầy hơi, táo bón. Đồng thời, hệ tiêu hóa của bé được kích thích hoạt động hiệu quả hơn, hỗ trợ hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
Ba mẹ tham khảo bài massage bụng cho trẻ sơ sinh theo các bước sau:
- Đầu tiên, cho một ít dầu massage vào lòng bàn tay của bạn và xoa đều để làm ấm dầu.
- Tiếp đến, chúng ta cần vuốt từ đỉnh bụng đến dưới xương ngực. Đặt nhẹ nhàng lòng bàn tay dưới vị trí xương ngực rồi vuốt tròn theo chiều kim đồng hồ khắp vùng bụng và quanh rốn của bé.
Lưu ý rằng đây là vùng khá nhạy cảm nên ba mẹ hãy hạn chế tạo ra những áp lực dù là nhỏ nhất. Ngoài ra, cần tránh mát xa quá gần rốn vì ở độ tuổi sơ sinh, rốn của trẻ rất nhạy cảm vì cuống rốn mới rụng.
Bước 6: Massage mặt và đầu
Mát xa đầu và mặt giúp bé có khuôn mặt cân đối, hỗ trợ phát triển hệ thần kinh, kích thích thị giác và thính giác. Theo một nghiên cứu của Đại học California, Berkeley, massage mặt và đầu cho trẻ sơ sinh trong 10 phút mỗi ngày giúp bé phát triển hệ thần kinh nhanh hơn 20% so với trẻ không được massage.
Tuy nhiên, quá trình massage cho trẻ sơ sinh ở vùng mặt và đầu có thể khó thực hiện do đa phần các em bé đều không nằm yên và có xu hướng dịch chuyển nhiều.
Ba mẹ thực hiện bài mát xa mặt và đầu theo hướng dẫn sau:
- Bắt đầu bằng cách đặt ngón trỏ vào giữa trán ra 2 bên thái dương rồi từ từ vuốt dọc theo đường viền của khuôn mặt đến cằm.
- Tiếp đến mẹ di chuyển ngón tay từ cằm chầm chậm đến má rồi massage nhẹ nhàng theo chuyển động tròn. Mẹ nên thực hiện động tác này một vài lần trước khi chuyển sang bước tiếp theo.
- Dùng ngón áp út vuốt nhẹ quanh mắt bé theo chiều kim đồng hồ. Lặp lại động tác cho mỗi bên mắt.
- Massage đầu cũng giống như mẹ đang gội đầu cho trẻ. Hãy dùng ngón tay ấn nhẹ nhàng và xoa bóp, không được tạo áp lực lên đầu trẻ, tránh tác động xấu đến hộp sọ của con.
- Dùng ngón tay vuốt nhẹ từ đỉnh đầu bé xuống trán và từ hai bên thái dương bé xuống gáy. Sau đó, xoa bóp nhẹ nhàng toàn bộ đầu bé theo chuyển động tròn.
Bước 7: Massage lưng cho bé
Bước cuối cùng, mẹ nhẹ nhàng xoay người bé nằm sấp rồi massage lưng. Lưu ý, hãy cho bé nằm sấp với 2 tay về phía trước, tuyệt đối không để tay 2 bên.
Tiếp đó, ba mẹ hãy dùng các đầu ngón tay của mình, đặt lên lưng bé rồi di chuyển theo chiều kim đồng hồ từ trên xuống dưới.
Sau đó, hãy đặt ngón giữa và ngón trỏ ở hai bên xương sống, từ từ di chuyển nhẹ nhàng các ngón tay hướng từ trên xuống dưới về phía mông. Mẹ nhớ đừng đặt ngón tay và trực tiếp xoa bóp lên cột sống mà thay vào đó, hãy thực hiện động tác mát xa từ 2 bên rãnh sống lưng nhé.
Lặp lại các động tác này một vài lần rồi sau đó ẵm bé lên và đặt lại bình thường.
Lưu ý, ba mẹ không đặt tay ấn lên cột sống của bé, hãy đặt ngón tay ở 2 bên rãnh cột sống rồi luồn tay xuống dưới.
3. Nên mát xa cho trẻ sơ sinh trong bao lâu là tốt nhất?
Theo chia sẻ từ BS Kim Liên – Khoa sơ sinh, Bệnh viện phụ sản Hà Nội, thời gian massage hợp lý sẽ tùy thuộc vào độ tuổi và thể trạng của con.
- Đối với các trẻ dưới 2 tháng tuổi, ba mẹ nên thực hiện mát xa trong khoảng 5 phút mỗi lần.
- Trẻ từ 2 – 9 tháng tuổi có thể được massage 10 phút mỗi lần.
- Trẻ từ 10 tháng tuổi trở lên nên massage 10 – 15 phút mỗi lần.
Ba mẹ nên chia nhỏ thời gian massage thành nhiều đợt trong ngày. Ba mẹ không nên cứng nhắc về thời gian các buổi massage mà linh hoạt theo sự hợp tác của bé. Nếu bé tỏ ra khó chịu, hãy ngừng lại và thử lại trong các lần sau.
4. Lợi ích của việc massage cho trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh có thể cảm nhận được sự đụng chạm ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Sau khi chào đời, các bạn nhỏ rất thích thú khi được bế, âu yếm và vuốt ve. Những cái chạm vào cơ thể bé thể hiện sự yêu thương của ba mẹ và điều này cũng rất cần thiết cho sự phát triển cảm xúc của trẻ.
Chính vì vậy, biến việc massage cho trẻ sơ sinh trở thành thói quen chăm sóc hằng ngày sẽ là cách đơn giản giúp bé cảm thấy được quan tâm, chăm sóc và mang đến nhiều lợi ích:
4.1. Giúp bé thư giãn cơ bắp, giảm căng thẳng
Khi được massage, hormone oxytocin được giải phóng ra ngoài và đồng thời giảm mức độ hormon căng thẳng cortisol xuống thấp. Do vậy mà khi được vuốt ve cơ thể, trẻ cảm thấy bình tĩnh hơn, thư giãn và giảm căng thẳng.
Khi thực hiện các động tác massage nhẹ nhàng lên cơ thể của bé, các cơ bắp được thư giãn. Quá trình này cũng giúp kích thích sự linh hoạt ở tay và chân của trẻ.
4.2. Massage giúp bé phát triển hệ thần kinh
Trong năm đầu đời, não của em bé phát triển rất nhanh chóng. Do đó, mát xa cho trẻ sơ sinh trong giai đoạn này có thể tăng cường sự kết nối giữa các tế bào thần kinh. Khi bé được massage, các đầu dây thần kinh trên da của bé sẽ truyền tín hiệu đến não bộ nhiều hơn bình thường. Từ đó thúc đẩy phát triển hệ thần kinh trung ương.
Đồng thời, massage giúp tăng cường khả năng vận động của em bé. Các động tác massage nhẹ nhàng kích thích cơ và thần kinh, giúp bé cải thiện kỹ năng chuyển động và tương tác với môi trường xung quanh.
4.3. Giúp bé ngủ ngon hơn
Massage cho trẻ sơ sinh trước khi ngủ là một giải pháp giúp bé ngủ ngon và sâu giấc hơn. Khi được massage trước khi ngủ, cơ thể của bé sẽ sản sinh ra nhiều melatonin, một hormone điều hòa giấc ngủ.
Ngoài ra, các em bé sơ sinh thường có nhịp thở không đều, nên khi được massage, cơ thể bé sẽ được thư giãn và tạo ra một cảm giác cực kỳ thoải mái, giúp bé dễ chìm sâu vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn rất nhiều.
Đối với những bé hay quấy khóc thì bạn nên thường xuyên massage cho bé nhiều hơn. Khi bé cảm thấy thư giãn, bé sẽ dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn, ít quấy khóc hơn và sự phát triển của bé trong những năm đầu đời cũng tốt hơn.
4.4. Cải thiện lưu thông máu cho bé
Massage cho bé còn có tác dụng cải thiện lưu thông máu trong cơ thể, giúp việc trao đổi, vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đến các cơ quan và mô trong cơ thể bé được hiệu quả hơn.
4.5 Tăng cường hệ miễn dịch cho bé
Hệ miễn dịch của bé cũng sẽ được tăng cường cực tốt khi bé thường xuyên được massage. Các tế bào miễn dịch của bé sẽ được lưu thông khắp cơ thể bé, từ đó tạo nên một hệ miễn dịch tốt.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, thường xuyên massage cho trẻ sơ sinh sẽ kích thích các dây thần kinh đi qua đường tiêu hóa rất tốt. Các bé thường xuyên được massage lưng sẽ ít bị tiêu chảy và cảm lạnh hơn thông thường.
4.6 Cải thiện hệ tiêu hóa cho bé
Massage bụng cho bé theo chiều kim đồng hồ sẽ giúp kích thích nhu đồng ruột. Điều này sẽ giúp hệ tiêu hóa của bé tốt hơn, giảm tình trạng đầy hơi và khó tiêu của trẻ sơ sinh.
4.7. Giảm cảm giác ”đau”
Quá trình massage sẽ giải phóng endorphins. Đây được xem là “thuốc giảm đau” tự nhiên trong cơ thể của mỗi người.
Do vậy, massage không chỉ cải thiện lưu thông máu mà còn có tác dụng làm dịu các cơn đau, nhất là trong trường hợp bé đau bụng, mọc răng, nhiễm gió lạnh….
4.8. Kết nối bé với ba mẹ
Chắc chắn, không chỉ những lợi ích về mặt phát triển bé, ba mẹ và bé cũng sẽ có khoảng thời gian bên nhau, tăng tình cảm cho nhau.
Khi bé được ba mẹ thường xuyên chăm sóc, đặc biệt là massage, chắc chắn bé sẽ rất vui tươi, từ đó tâm lý phát triển của bé cũng sẽ tốt hơn rất nhiều.
5. Lưu ý khi massage cho trẻ sơ sinh
Để đảm bảo massage mang lại hiệu quả tối ưu và an toàn cho bé, ba mẹ cần lưu ý một số điều quan trọng sau:
- Không nên massage ngay sau khi bé ăn no vì sẽ làm bé khó chịu, đau bụng và dễ bị nôn trớ do tác động vào bụng.
- Hãy đợi khoảng 15 phút sau khi massage rồi cho bé bú để cơ thể trẻ được thư giãn hoàn toàn và kích thích bé ăn ngon miệng hơn.
- Thời gian massage cho trẻ sơ sinh cũng không nên quá dài, chỉ khoảng từ 10-15 phút mỗi lần.
- Ba mẹ cũng nên tạo một bầu không khí thoải mái cho trẻ để massage. Lựa chọn một không gian ấm áp, yên tĩnh và ánh sáng dịu nhẹ. Ba mẹ cũng có thể bật nhạc nhẹ nhàng hoặc hát ru cho trẻ khi massage để tạo cảm giác dễ chịu cho bé.
- Trước khi massage, ba mẹ nên rửa tay sạch sẽ, cắt móng tay ngắn và tháo trang sức (nhẫn, vòng tay,…) để không làm trầy da bé.
- Chọn các loại dầu massage dành riêng cho trẻ sơ sinh, có nguồn gốc rõ ràng và an toàn cho da bé. Chỉ nên sử dụng một lượng nhỏ dầu mát xa vừa đủ để da bé được bôi trơn.
- Lúc massage ba mẹ cũng nên cười đùa, tương tác với trẻ để giúp tăng tình cảm và gắn kết hơn với con.
- Không nên massage khi bé đang ốm hoặc có vết thương hở trên da.
- Sử dụng lực nhẹ nhàng, tránh ấn mạnh vào cơ thể bé. Ba mẹ nên quan sát biểu hiện của bé trong khi massage, nếu bé tỏ ra khó chịu hãy ngừng lại.
Massage cho trẻ sơ sinh mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ, giúp trẻ ăn ngon, ngủ ngon, tăng cường sức khỏe và phát triển hệ miễn dịch tốt. Hy vọng qua bài viết trên, ba mẹ đã nắm được cách massage cho trẻ sơ sinh và một số lưu ý. Hãy theo dõi Fit Junior để nhận thêm những thông tin hữu ích về việc chăm sóc và phát triển trẻ sơ sinh.