Chăm sóc trẻ sơ sinh là một việc khó khăn và đầy thử thách với những người lần đầu làm cha mẹ. Không chỉ tìm hiểu cách chăm sóc trẻ sơ sinh trong những tuần đầu đời mà còn cần chuẩn bị mọi mặt từ giai đoạn trước sinh để tránh bỡ ngỡ cũng như stress vì con quấy khóc, ốm vặt. Vậy trẻ sơ sinh cần được chăm sóc như nào để có được sức khỏe tốt và phát triển toàn diện? Bài viết sau đây của  Fit Junior sẽ chia sẻ đầy đủ về cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh từ A đến Z.

1. Những vấn đề cần theo dõi, chăm sóc trẻ sơ sinh khi mới đưa con từ viện về

1.1. Theo dõi hô hấp

Trẻ sơ sinh có hệ hô hấp chưa phát triển hoàn thiện, các cơ quan hô hấp còn yếu ớt và dễ bị tổn thương bởi các tác nhân bên ngoài như virus, vi khuẩn, bụi bẩn,… Do đó, ba mẹ cần lưu ý theo dõi hô hấp của bé để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị và can thiệp y tế phù hợp.

Ba mẹ thường xuyên theo dõi vấn đề về hô hấp cho trẻ sơ sinh
                        Ba mẹ thường xuyên theo dõi vấn đề về hô hấp cho trẻ sơ sinh

Nhịp thở bình thường của trẻ sơ sinh thay đổi theo độ tuổi, cụ thể như sau:

  • Trẻ từ 0 – dưới 6 tháng tuổi: Dao động khoảng 30 – 60 nhịp thở mỗi phút.
  • Trẻ từ 6 – dưới 12 tháng tuổi: Dao động khoảng 24 – 30 nhịp thở mỗi phút.

Lưu ý: Những bé sinh non rất dễ gặp phải những triệu chứng ngừng thở diễn ra trong khoảng dưới 15 giây. Nếu gặp tình huống này, hãy ôm bé và áp dụng phương pháp da kề da để kích thích bé thở lại như bình thường. Trong trường hợp trẻ vẫn thở ngắn hoặc ngưng thở quá 15 giây, da tím tái thì hãy đưa trẻ đi cấp cứu ngay lập tức.

Trong điều kiện hô hấp bình thường, da trẻ sẽ hồng hào tự nhiên. Vì thế, theo dõi màu da cũng giúp ba mẹ biết được tình trạng hô hấp của trẻ. Nếu thấy con có biểu hiện tím tái ở môi, lưỡi, đầu ngón tay, da mặt thì phải đưa trẻ vào bệnh viện ngay lập tức.

Ngoài ra, vì cấu tạo đường thở của trẻ sơ sinh rất mềm nên ba mẹ cần chú ý đến tư thế nằm của trẻ. Tư thế ngủ tốt cho bé là đặt nằm ngửa. Nằm sấp là tư thế ngủ nguy hiểm nhất cho trẻ sơ sinh vì có thể làm tăng nguy cơ SIDS (hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh).

1.2. Theo dõi thân nhiệt

Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh cũng nhắc nhở phụ huynh nên chú ý đến vấn đề thân nhiệt của trẻ. Vì ở giai đoạn này, cơ thể con rất dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như nhiệt độ môi trường, thay đổi thời tiết,…

Nhiệt độ cơ thể bình thường của trẻ sơ sinh dao động trong khoảng 36,5 độ  – 37,2 độ. Ba mẹ nên sử dụng nhiệt kế chuyên dụng cho trẻ em để đo thân nhiệt cho bé hàng ngày.

  • Nếu kiểm tra thấy thân nhiệt của bé trên 37,5 độ, hãy cho trẻ nằm ở nơi thoáng, nới lỏng quần áo, dùng khăn ấm chườm cho trẻ ở trán, nách và bẹn. Nếu thân nhiệt trẻ tiếp tục tăng lên 38,5 độ thì ba mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để được chăm sóc và dùng thuốc hạ sốt phù hợp.
  •  Trường hợp kiểm tra nhiệt độ của bé hạ xuống dưới 36 độ thì ba mẹ nên ủ ấm cho em bé bằng chăn hoặc sử dụng phương pháp da kề da để truyền hơi ấm cho bé.
Theo dõi thân nhiệt hàng ngày cho trẻ sơ sinh
                                                      Theo dõi thân nhiệt hàng ngày cho trẻ sơ sinh

Để thân nhiệt của trẻ sơ sinh luôn giữ ở mức ổn định, cha mẹ hãy cho bé nằm trong không gian thoáng mát, có nhiều ánh sáng tự nhiên vào mùa hè và phòng ngủ cần kín gió vào mùa đông. Cha mẹ lưu ý không cho trẻ mặc quần áo quá dài hoặc quấn quá chặt vì sẽ làm tăng thân nhiệt giả, khó phân biệt với tình trang ốm sốt của bé.

1.3. Theo dõi các dấu hiệu bệnh lý cho bé mới sinh

Trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện nên sẽ dễ bị vi khuẩn tấn công. Hơn nữa, dấu hiệu bệnh lý ở trẻ sơ sinh thường không rõ ràng như người lớn, do đó ba mẹ cần chú ý quan sát để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh lý ở trẻ sơ sinh giúp kịp thời thăm khám, điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm.

Sau đây là một số cách theo dõi dấu hiệu bệnh lý của trẻ sơ sinh:

  • Theo dõi phân và nước tiểu: Trong 24h đầu tiên sau sinh, trẻ phải có phân su và nước tiểu. Trẻ bú sữa mẹ thường có phân màu vàng, mềm và có mùi nhẹ. Trong tuần tuổi đầu tiên, bé có thể đi tiểu và đi ngoài 6 – 8 lần một ngày. Nếu bé bị tiêu chảy nhiều, phân lỏng và có màu bất thường thì nên sớm đưa bé đi khám bác sĩ.
  • Theo dõi tình trạng bú của trẻ: Trẻ lười bú hoặc bỏ bú có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý như nhiễm trùng tai, tắc nghẽn đường thở hoặc rối loạn tiêu hóa.
  • Theo dõi biểu hiện làn da: Da nổi mẩn đỏ có thể do nhiều nguyên nhân như dị ứng, nhiễm trùng, bệnh tự miễn hoặc các vấn đề về nội tiết tố. Nếu bé có mẩn đỏ kèm theo các triệu chứng khác như ngứa, sưng cần được đưa đi bệnh viện. Ba mẹ không nên tùy ý sử dụng thuốc bôi, thuốc uống hay xông hơi cho trẻ.
  • Theo dõi các phản ứng của trẻ, ví dụ như: Bé quấy khóc nhiều có thể do nhiều nguyên nhân như đói, khát, khó chịu, hoặc đau bụng. Nôn trớ là hiện tượng bình thường ở trẻ sơ sinh, nhưng nếu bé nôn trớ nhiều và kèm theo các triệu chứng khác như tiêu chảy, sụt cân… thì có thể liên quan đến bệnh lý cần điều trị đúng cách.
  • Theo dõi tình trạng vùng rốn: Kiểm tra tình trạng và vệ sinh rốn đúng cách. Nếu vùng rốn có các biểu hiện lạ thì nên đưa trẻ đi khám để tránh nhiễm trùng.

2. Cẩm nang nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ sơ sinh

2.1. Cách gắn kết bố mẹ với bé trong những ngày đầu đời

Những ngày đầu sau khi sinh là thời điểm vô cùng quan trọng để tạo dựng mối liên kết giữa ba mẹ và bé. Việc gắn kết sớm giúp bé phát triển tốt về cả thể chất và tinh thần, đồng thời giúp bố mẹ cảm thấy tự tin và hạnh phúc hơn trong hành trình nuôi dạy con.

Một số cách mà ba mẹ có thể tham khảo thực hiện để gắn kết với bé yêu nhà mình:

  • Tiếp xúc da kề da: Sự gần gũi về thể xác có thể giúp hình thành mối liên kết tình cảm. Trẻ em có thể phát triển tốt hơn khi cảm nhận được nhiều sự yêu thương từ ba mẹ và người lớn. Khi ôm trẻ vào lòng sẽ giúp bé bình tĩnh, xoa dịu và điều hòa nhịp tim.
  • Nói chuyện và hát cho bé nghe: Ba mẹ nên dành thời gian trò chuyện và hát cho bé nghe mỗi ngày, ngay cả khi bé đang ngủ. Việc này giúp bé phát triển nhận thức, ngôn ngữ, đồng thời giúp bé cảm nhận được tình yêu thương của bố mẹ.
  • Massage cho trẻ sơ sinh: Đây là một cách giúp trẻ thư giãn cơ bắp, giảm căng thẳng và thúc đẩy quá trình lưu thông máu. Khi massage cho bé, ba mẹ nên nói chuyện với bé để bé cảm thấy thoải mái và gắn kết tình cảm.

2.2. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh khi cho con bú

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trẻ nên bú mẹ hoàn toàn cho đến khi được 6 tháng tuổi. Nếu sữa mẹ chưa về hoặc thiếu sữa nuôi con, ba mẹ có thể cho trẻ uống thêm sữa công thức phù hợp với tuổi theo chỉ định của bác sĩ.

Một số lưu ý khi cho trẻ bú hàng ngày là:

  • Tần suất bú: Ba mẹ nên cho bé bú theo nhu cầu, bất cứ khi nào bé có dấu hiệu muốn bú. Trẻ sơ sinh thường bú khoảng 8 – 12 cữ mỗi ngày, mỗi lần bú 15 – 20 phút. Những tháng tiếp theo số cữ bú sẽ giảm dần và lượng sữa tăng lên do lực mút của trẻ mạnh hơn.
  • Tư thế bú: Hãy lựa chọn tư thế thoải mái nhất cho cả mẹ và bé. Cách cho bé bú đúng phương pháp chính là bế bé sao cho mũi bé ở vị trí ngang núm vú, bụng con áp vào bụng mẹ, đầu ti gần miệng cho bé tự động há miệng và bú sữa, mẹ không nên ép con ăn.
  • Dấu hiệu bé bú đủ: Bé bú đủ sữa sẽ có những dấu hiệu ngủ ngon, tăng cân đều đặn, ít quấy khóc.
  • Cách bảo quản sữa mẹ: Sữa mẹ có thể bảo quản trong tủ lạnh tối đa 4 ngày hoặc trong tủ đông tối đa 6 tháng.
  • Nếu trẻ bú kém có thể đổ thìa thêm. Chú ý dụng cụ cho trẻ ăn cần được luộc sôi trước khi sử dụng và  vệ sinh tay sạch sẽ trước khi đổ sữa cho trẻ.
  • Để giúp trẻ dễ tiêu hóa sau khi bú, ba mẹ nên hỗ trợ bé ợ hơi.
Cho bé bú no, đúng tư thế
                                                                               Cho bé bú no, đúng tư thế

2.3. Hướng dẫn bế con đúng cách

Với các cặp vợ chồng trẻ và mới có em bé thì cách chăm sóc bé nhỏ làm sao cho đúng đắn và con mình được khỏe mạnh là luôn được quan tâm nhất, trong số các cách chăm sóc trẻ sơ sinh thì bế con đúng cách cũng chính là điều mà mọi người cần quan tâm.

Việc bế con đúng cách vô cùng dễ dàng khi mà các bạn chỉ cần bế con theo hướng nằm nghiêng, đầu cao hơn chân là được và sau vài tháng bé cứng cáp thì bạn có thể bế bé theo hướng thẳng đứng. Tuy nhiên các bạn chỉ cần quan tâm là không nên bế bé theo một tư thế quá lâu, nên thay đổi tư thế bế trẻ để con không cảm thấy mệt mỏi.

2.4. Cách vỗ ợ hơi cho trẻ

Sau khi ăn no, một bước chăm sóc trẻ sơ sinh quan trọng không nên bỏ qua là vỗ ợ hơi. Việc này giúp loại bỏ khí thừa trong dạ dày bé, tiêu hóa tốt, hạn chế bị ọc sữa, giúp bé thoải mái và dễ tiêu hóa hơn. Sau đây là cách ba mẹ vỗ ợ hơi cho trẻ:

  • Giữa cữ bú và sau khi bú xong, ba mẹ thực hiện vỗ ợ hơi cho bé. Hãy bế bé đứng và tựa vào ngực ba mẹ. Một tay đỡ cổ và đầu bé, tay còn lại vỗ nhẹ vào lưng bé từ dưới lên trên. Vỗ nhẹ nhàng và đều đặn cho đến khi bé ợ ra hơi.
  • Ba mẹ có thẻ vỗ ợ hơi cho bé ở tư thế nằm sấp. Đặt bé nằm sấp trên cánh tay ba mẹ, nghiêng đầu bé sang một bên. Vỗ nhẹ vào lưng bé từ dưới lên trên. Vỗ nhẹ nhàng và đều đặn cho đến khi bé ợ ra hơi.
  • Với bé đã cứng cáp hơn, ba mẹ có thể vỗ ợ hơi ở tư thế bế ngồi, để mặt bé hướng ra ngoài. Một tay đặt dưới mông bé, tay còn lại vòng qua bụng bé tạo một áp lực nhẹ. Ba mẹ sẽ đứng và đi bộ nhẹ nhàng, việc kết hợp giữa áp lực tay và sự chuyển động sẽ giúp bé ợ hơi.
  • Nếu thực hiện được vài phút mà bé không ợ hơi thì ba mẹ hãy thử đổi tư thế khác hoặc đợi một lúc và thử lại.

2.5. Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh về giấc ngủ của bé

Giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển cả thể chất và tinh thần của trẻ sơ sinh. Đảm bảo bé ngủ đủ giấc và ngon giấc sẽ giúp bé phát triển khỏe mạnh và luôn giữ được tinh thần vui vẻ, thoải mái.

Trẻ sơ sinh cần ngủ trung bình 14 – 17 tiếng/ngày trong vòng 4 tháng đầu tiên. Sau 4 tháng, nhu cầu ngủ của bé sẽ giảm dần xuống còn 12 – 15 tiếng/ ngày. Đối với trẻ sơ sinh từ 3 tháng tuổi hoặc đạt cân nặng 6kg sẽ bắt đầu ngủ suốt đêm từ  6 – 8 tiếng mà không thức giấc.

Suốt giấc ngủ đêm ba mẹ không cần phải đánh thức trẻ sơ sinh dậy để cho bú. Tuy nhiên, mỗi bé có nhu cầu ngủ khác nhau, ba mẹ nên quan sát để điều chỉnh thời gian ngủ phù hợp.

Ba mẹ nên tập cho trẻ một thói quen ngủ theo giờ giấc hợp lý. Cho trẻ ngủ sớm vào khoảng 8 giờ tối để tạo thành thói quen cho trẻ. Buổi tối, ba mẹ cần đảm bảo trẻ đã được ăn no trước khi đi ngủ.

Phòng ngủ của bé cần yên tĩnh, thoáng mát, nhiệt độ phòng phù hợp. Để giúp bé ngủ ngon, ba mẹ có thể thực hiện các bài massage trước khi đi ngủ. Ba mẹ nên sắp xếp giường ngủ cho trẻ với chăn và gối có chất liệu mềm mại, êm ái để tạo cảm giác an toàn và giữ ấm cho trẻ.

2.6. Chăm sóc phần đầu

Trong quá trình vệ sinh và chăm sóc trẻ sơ sinh, ba mẹ cần chú ý đến 2 thóp (điểm mềm) trên đầu của bé.

Thóp thứ nhất nằm ở đỉnh đầu, có hình dạng giống viên kim cương. Kích thước của điểm mềm này tương đối lớn vào khoảng 5cm. Thóp này thường sẽ đóng lại khi trẻ đủ 6 tháng tuổi và đóng hoàn toàn khi bé đạt 2 tuổi.

Thóp thứ hai nằm ở phía sau đầu, hình dạng giống như hình tam giác. Kích thước của điểm mềm này đạt khoảng 1cm. Thóp này thường đóng lại sớm hơn, có thể ngay sau khi bé vừa chào đời hoặc khi bé đủ 3 tháng tuổi. Tuy nhiên, nó có thể mở lại khi bé 2 tuổi để cung cấp một khoảng không gian cần thiết cho não phát triển.

Cả hai thóp đều có chức năng bảo vệ não bộ và giúp hộp sọ thay đổi theo kích thước phù hợp. Từ đó, tạo điều kiện cho não bộ phát triển tốt trong năm đầu đời. Nếu ba mẹ phát hiện thóp bị lõm xuống hoặc bị phồng lên liên tục thì hãy nhờ đến sự trợ giúp của bác sĩ ngay.

2.7. Chăm sóc da đúng cách cho trẻ

Da của trẻ sơ sinh rất mỏng manh và nhạy cảm, dễ bị kích ứng nên ba mẹ cần lưu ý chăm sóc da và vệ sinh đúng cách cho trẻ.

Với trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi, nên tắm cho bé 2 – 3 lần mỗi tuần bằng nước ấm. Sau đó tăng dần tần suất lên thành tắm hàng ngày. Mỗi lần tắm không quá 5 phút và trong không gian kín gió. Có thể sử dụng thêm sữa tắm nhưng cần lựa chọn loại phù hợp cho da trẻ sơ sinh. Sau khi tắm, lau khô người bé bằng khăn mềm và mặc ngay quần áo để giữ ấm.

Quần áo, chăn lót,… của bé nên được giặt riêng. Sử dụng loại bột giặt hoặc nước giặt dành riêng cho trẻ sơ sinh, có thành phần lành tính. Không nên dùng chất tẩy rửa mạnh để giặt đồ em bé, các chất này thường không trôi hết mà bám lại trên vải, có thể gây dị ứng cho trẻ.

Ba mẹ nên giữ cho da bé được khô ráo. Thay tã cho bé thường xuyên để tránh da bé bị ẩm ướt. Lưu ý vệ sinh vùng kín cho bé sau mỗi lần thay tã bằng khăn mềm nhúng vào nước ấm. Cho bé mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, chất liệu an toàn. Ngoài ra, ba mẹ cần nhớ cắt móng tay cho bé thường xuyên để tránh cào xước da.

Ở giai đoạn sơ sinh, da của trẻ rất nhạy cảm nên cần chăm sóc kỹ lưỡng
                            Ở giai đoạn sơ sinh, da của trẻ rất nhạy cảm nên cần chăm sóc kỹ lưỡng

2.8. Chăm sóc vùng dây rốn cho trẻ sơ sinh

Vì là vết thương hở nên cuống rốn cần được chăm sóc cẩn thận để tránh nhiễm trùng. Khi bị nhiễm trùng mà không được phát hiện và điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng máu, tăng nguy cơ gây tử vong ở trẻ sơ sinh.

Ba mẹ tham khảo các bước chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh dưới đây:

  • Bước 1: Rửa tay thật sạch và sát trùng tay bằng cồn 90 độ trước khi chăm sóc rốn cho trẻ.
  • Bước 2: Nhẹ nhàng tháo băng rốn và gạc rốn của bé ra
  • Bước 3: Kiểm tra mặt cắt rốn và vùng xung quanh xem có bị viêm đỏ, có mủ, chảy dịch hoặc chảy máu, có mùi hôi hay có gì bất thường không.
  • Bước 4: Thấm bống gòn vào nước chín vô trùng và lau rốn. Sau đó, thấm khô vùng cuống rốn và chân rốn.
  • Bước 5: Sử dụng nước muối sinh lý để sát trùng vùng da quanh rốn.
  • Bước 6: Sử dụng lớp gạc mỏng đã vô trùng để che rốn cho bé.
  • Bước 7: Quấn tã dưới rốn của bé và cần lưu ý không để bất kỳ thứ gì vấy bẩn vào vùng này.

Sau đây là một số lưu ý vệ sinh vùng rốn của trẻ:

  • Vệ sinh vùng rốn của bé đúng cách với các dụng cụ y khoa phù hợp như que bông gạc vô trùng và nước muối sinh lý.
  • Ba mẹ luôn phải rửa tay thật sạch bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi thực hiện vệ sinh rốn cho trẻ.
  • Giữ cuống rốn được khô ráo, sử dụng tăm bông mềm để lau khô sau mỗi lần đi tắm hoặc thay tã.
  • Nếu cuống rốn có dấu hiệu đỏ, sưng, chảy mủ hoặc có mùi hôi, hãy đưa bé đi khám ngay lập tức. Tuyệt đối không tự ý bôi thuốc vào vùng rốn của trẻ mà không hỏi ý kiến bác sĩ.
Ba mẹ cần chú ý vệ sinh cuống rốn đúng cách để tránh bị nhiễm trùng
                                Ba mẹ cần chú ý vệ sinh cuống rốn đúng cách để tránh bị nhiễm trùng

2.9. Chăm sóc vùng cắt bao quy đầu của bé trai

Ba mẹ cần chú ý chăm sóc vùng cắt bao quy đầu cho bé trai để đảm bảo vết thương mau lành, tránh nhiễm trùng và giúp bé hồi phục nhanh chóng. Ba mẹ nên sử dụng nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát khuẩn loãng để vệ sinh vết thương 2 – 3 lần mỗi ngày. Nhẹ nhàng lau khô vết thương bằng khăn mềm và giữ cho vùng cắt bao quy đầu khô ráo.

Tương tự việc chăm sóc vùng rốn, nếu có dấu hiệu bất thường ở vùng cắt bao quy đầu của bé, ba mẹ nên đưa con đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị đúng cách.

3. Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh: Hướng dẫn vệ sinh

3.1. Cách tắm và gội đầu cho trẻ sơ sinh

Chuẩn bị trước khi tắm:

  • Ba mẹ vệ sinh tay sạch sẽ, cắt móng tay, tháo trang sức.
  • Phòng tắm cần ấm áp, thông thoáng và tránh gió lùa.
  • Nước tắm nên có nhiệt độ ấm vừa phải, khoảng 37 – 38 độ C.
  • Chuẩn bị khăn tắm, khăn xô, bông gòn, tăm bông, dầu gội đầu và sữa tắm dành cho trẻ sơ sinh.
  • Quần áo sách để mặc cho bé sau khi tắm.

Ba mẹ nên làm theo hướng dẫn cách tắm cho trẻ sơ sinh để vệ sinh cho trẻ đúng cách:

  • Ba mẹ rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi tắm cho bé.
  • Cởi quần áo cho bé và quấn bé trong khăn tắm.
  • Nhúng khăn tắm vào nước ấm và vắt bớt nước, sau đó lau người cho bé để làm ấm cơ thể trước khi tắm.
  • Lau mặt cho bé từ trán xuống cằm, hai má và cổ. Tránh để nước vào mắt và tai của bé.
  • Tắm người cho bé, bắt đầu từ vai xuống chân. Chú ý tắm kỹ các nếp gấp da như nách, bẹn, kẽ ngón tay và kẽ ngón chân.
  • Gội đầu cho bé: Dùng dầu gội đầu dành cho trẻ sơ sinh pha loãng với nước, xoa nhẹ lên đầu bé. Sau đó, dùng khăn xô mềm để lau sạch dầu gội trên đầu bé.
  • Rửa sạch người cho bé với nước ấm, đảm bảo rửa sạch bọt sữa tắm.
  • Lau khô người cho bé bằng khăn tắm mềm, lau kĩ ở các các nếp gấp da.
  • Lau khô vùng kín, vùng rốn cho bé
  • Mặc ngay quần áo sạch cho bé.

3.2. Cách rơ miệng cho trẻ

Trẻ sơ sinh bú sữa thường xuyên nên sẽ có cặn sữa bám trên lưỡi. Chính vì vậy, ba mẹ cần phải rơ lưỡi thường xuyên cho trẻ để làm sạch khoang miệng cho trẻ. Ba mẹ thực hiện rơ miệng cho trẻ như sau:

  • Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi rơ miệng cho bé.
  • Dùng gạc lưỡi hoặc khăn sạch, khô quấn quanh ngón tay. Chú ý ngón tay ba mẹ rơ miệng bé phải được cắt móng gọn gàng và tháo trang sức.
  • Thấm dung dịch rơ miệng gạc rồi rơ lưỡi cho trẻ đến khi sạch hết vết trắng thì rơ lại bằng nước sạch.
  • Thực hiện rơ lưỡi hàng ngày cho trẻ.
  • Chăm sóc trẻ sơ sinh- rơ miệng cho trẻ hàng ngày
                                              Chăm sóc trẻ sơ sinh- rơ miệng cho trẻ hàng ngày

3.3. Vệ sinh mắt

Ba mẹ thực hiện các bước vệ sinh mắt cho trẻ sơ sinh như sau:

  • Chuẩn bị dụng cụ, nước muối sinh lý dùng để rửa mắt, 2 miếng gạc vô khuẩn để vệ sinh từng bên mắt.
  • Ba mẹ rửa tay sạch sẽ xà phòng và nước sạch.
  • Thấm nước muối lên miếng gạc, sau đó nhẹ nhàng lau theo chiều từ đầu đến phần đuôi mắt, sau đó làm tương tự với bên còn lại.

Ba mẹ có thể vệ sinh mắt cho bé sau khi thức dậy, sau khi tắm và buổi tối trước khi đi ngủ.

3.4. Vệ sinh tai

Cách vệ sinh tai cho trẻ sơ sinh như sau:

  • Vệ sinh bên ngoài tai của trẻ, lau sạch cả tai và chú ý khu vực có nhiều nếp gấp của tai bằng nước muối sinh lý.
  • Lấy ráy tai cho trẻ sơ sinh một cách nhẹ nhàng với bông gòn và khăn xô ẩm.
  • Sử dụng thuốc nhỏ tai phù hợp và theo chỉ định của bác sĩ.

3.5. Vệ sinh mũi

Vệ sinh mũi giúp loại bỏ bụi bẩn, giúp bé hít thở tốt hơn. Ba mẹ nên sử dụng nước muối sinh lý, gạc, bông gòn để vệ sinh mũi cho bé. Dùng gạc hoặc bông gòn thấm nước muối, sau đó nhẹ nhàng lau sạch vùng mũi cho bé. Nên vệ sinh mũi cho bé hàng ngày để giữ đường hô hấp thông thoáng, tránh các bệnh viêm mũi, viêm xoang,…

3.6. Vệ sinh tay chân

Cơ thể bé sơ sinh chưa tiết nhiều mồ hôi nhưng lại rất nhạy cảm nên ba mẹ cần vệ sinh tay chân hàng ngày cho bé. Sử dụng khăn mềm, sạch để lau tay và chân cho bé. Lưu ý nên dùng nước ấm để lau tay và chân cho bé. Cho bé mặc quần áo thoáng mát, chất liệu tự nhiên sẽ giúp cơ thể bé dễ chịu và giữ vệ sinh tốt hơn.

3.7. Cách thay tã và vệ sinh vùng kín cho trẻ

Nhiều người nghĩ thay tã cho trẻ rất đơn giản chỉ cần tháo tã cũ ra và thay tã mới là được, những cách làm này hoàn toàn sai lầm và không đúng cách khiến trẻ bị hăm và khó chịu.

Do đó, để thay tã và vệ sinh vùng kín cho trẻ đúng cách mẹ cần chọn thương hiệu tã uy tín để sử dụng, tránh chọn những sản phẩm không có thương hiệu, không rõ nguồn gốc vì chất lượng sẽ không đảm bảo. Khi mặc tã mẹ nên chọn loại tã vừa vặn, không chật quá cũng không quá lỏng để bé được thoải mái vận động và không cảm thấy khó chịu.

Cách thay tã và vệ sinh vùng kín cho trẻ:

  • Đặt bé nằm ngửa trên tấm lót.
  • Mở các miếng dán trên tã cũ của bé, tháo ra nhẹ nhàng và cuộn lại trước khi vứt.
  • Dùng khăn hoặc giấy vệ sinh để lau sạch vùng kín và mông của bé.
  • Đối với bé gái: Lau từ trước ra sau, từ âm đạo đến hậu môn. Đối với bé trai: Lau sạch dương vật và bìu của bé.
  • Dùng khăn lau hoặc bông gòn mềm, ẩm để lau nhẹ nhàng. Sau đó dùng khăn khô để lau lại.
  • Mở tã mới và đặt bé lên tã. Điều chỉnh tã cho vừa vặn với bé, đảm bảo không quá chật hoặc quá lỏng. Dán các miếng dán cố định tã.

Ba mẹ cần chú ý kiểm tra thường xuyên để thay tã mới và vệ sinh sạch sẽ cho bé. Thực hiện các thao tác nhẹ nhàng để không làm tổn thương da và các bộ phận nhạy cảm của bé.

4. Một số lưu ý quan trọng khi chăm sóc trẻ sơ sinh

  • Luôn luôn rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi chạm vào da bé
  • Không lắc mạnh trẻ, hạn chế đặt trẻ nằm sấp quá lâu.
  • Tránh chơi đùa thô bạo, tác động lên các cơ quan nhạy cảm của trẻ.
  • Không nên để trẻ một mình, chú ý quan sát thường xuyên kể cả khi đang ngủ.
  • Giữ không gian gia đình an toàn, sạch sẽ, tránh khói thuốc lá hoặc các mùi hoá chất khác.
  • Hạn chế sử dụng mỹ phẩm, tinh dầu, nước hoa,… để tránh trường hợp trẻ bị dị ứng hô hấp.
  • Hạn chế tiếp xúc, hôn, ôm ấm từ người thân trong gia đình để đảm bảo vệ sinh và an toàn sức khỏe cho bé.

Trên đây là cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh và một số nguyên tắc ba mẹ cần lưu ý được Fit Junior tổng hợp và gửi đến các bạn để các bạn có thể nắm bắt được chi tiết hơn về việc chăm sóc tốt nhất cho con em mình. Ngoài ra, cha mẹ nên tìm hiểu thêm các phương pháp chăm sóc khác được chuyên gia chia sẻ để có được kinh nghiệm chăm sóc bé tốt nhất.